Kiến trúc bền vững là gì? Nó là một khái niệm tương đối mới mẻ với nhiều người. Tuy nhiên phong cách kiến trúc này đã có nền móng xuất hiện từ lâu trên thế giới và mang trong mình những thiết kế đặc trưng, mang lại cho con người một không gian sống lành mạnh, tươi mới hơn so với những lối kiến trúc cũ trước đây.
Mục Lục
Kiến trúc bền vững là gì?
Kiến trúc bền vững một phần tất yếu của xu hướng phát triển trong thời đại ngày nay. Kiến trúc bền vững tạo ra một không gian sống hiện đại cho con người đồng thời vẫn đảm bảo được tính hài hòa cùng thiên nhiên, môi trường. Từ đó, đảm bảo được các công trình kiến trúc xây dựng thỏa mãn được những nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến những dự định cho các thế hệ ở tương lai.
Những loại Kiến trúc bền vững cơ bản mà chúng ta nên biết
Kiến trúc bền vững về kết cấu, vật liệu, kỹ thuật
Mọi kiến trúc ra đời đều nhằm mục đích phục vụ cho con người. Vì vậy, sự bền vững của kiến trúc được hiểu theo nghĩa đen một cách đơn giản nhất: công trình phải vững vàng, an toàn. Tất nhiên tùy mỗi thể loại công trình khác nhau, tính chất của công trình hay mỗi giai đoạn xây dựng đều có những yêu cầu về mức độ bền vững khác nhau. Nhưng chung quy thì các công trình đều có yêu cầu tối thiểu về độ bền vững cơ học và bền vững kết cấu.
Một ngôi nhà, một công trình kiến trúc dù đặc biệt và đẹp đến mấy mà bị sụp đổ thì kiến trúc đó cũng xem như không còn giá trị sử dụng. Bền vững về kết cấu gắn liền với bền vững về vật liệu tạo ra kết cấu đó. Với lối kiến trúc cổ thì nó là gỗ, gạch, đá; với kiến trúc hiện đại thì vật liệu là bê tông, thép. Bên cạnh vật liệu kết cấu, thì sự bền vững của các loại vật liệu tạo nên hình dáng kiến trúc cũng rất quan trọng để tạo nên sự bền vững chung cho cả công trình.
Kiến trúc bền vững về quy hoạch, cảnh quan và môi trường
Một công trình được xây dựng nên có ý nghĩa khi nó được đặt đúng vị trí cần thiết. Công trình phải tác động làm đẹp thêm cảnh quan, không gian sống và ngược lại, không gian sẽ góp phần tôn công trình đó lên. Hiểu theo thuật ngữ chuyên môn là công trình kiến trúc thì phải phù hợp quy hoạch, và quy hoạch công trình phải có giá trị, phải bền vững.
Nhiều kiến trúc đô thị mặc dù đã đã tồn tại hàng trăm năm mà vẫn giữ được nét đẹp vốn có. Vẻ đẹp của những kiến trúc này nằm ở tự thân nghệ thuật kiến trúc, đẹp vì được xây dựng đúng chỗ, hài hòa cùng với cảnh quan đô thị, có những điểm nhìn sáng. Thực tế cho thấy những đô thị lớn như ở Hà Nội hay TP.HCM, những lối kiến trúc Pháp vẫn bền vững vượt thời gian, khẳng định giá trị to lớn của quy hoạch đô thị.
Bền vững về môi trường có nghĩa là giảm thiểu được việc thải những chất độc hại ra môi trường trong quá trình vận hành cho tới khi phá dỡ. Tiết kiệm năng lượng cũng được xem là một yếu tố không thể thiếu (giảm trữ lượng phá huỷ môi trường do khai thác tài nguyên khoáng sản như than, dầu mỏ… để phục vụ sản xuất năng lượng điện).
Kiến trúc bền vững thẩm mỹ
Cho dù kiến trúc hiện đại ngày nay tiếp xúc gần với công nghệ và kỹ thuật hơn thì vẫn không thể loại trừ hay phủ nhận những yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ ở trong đó. Kiến trúc bền vững còn phải có giá trị nghệ thuật theo một quan điểm mỹ học nhất định. Tuy mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi quốc gia, vùng miền có một cách nhìn nhận khác nhau về các giá trị thẩm mỹ trên những nền tảng văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo và cả phong tục tập quán… Kiến trúc chính là gương mặt phản ánh lịch sử, sao chép lại và ghi nhận về những yếu tố chính trị, văn hoá, xã hội và khoa học kỹ thuật…
Kiến trúc bền vững văn hoá
Những công trình kiến trúc đã trải qua những biến động trong thời cuộc, gắn liền với các sự kiện và những nhân vật lịch sử. Hoặc lối kiến trúc đó có thể là một loại kiến trúc tiêu biểu, mẫu mực thể hiện được giá trị văn hóa bình dị nhưng nhân văn, làm rõ được cốt cách, tinh thần của chủ nhân kiến trúc. Bởi những công trình đó chứa đựng một những giá trị văn hoá lớn lao. Nói một cách đơn giản thì đây là những kiến trúc bền vững văn hoá.
Chính sự bền vững “vô hình” này lại có sức mạnh lớn lao mà không có một thế lực nào có thể xâm hại, huỷ diệt được, cho dù là thiên nhiên hay con người. Ngược lại, những công trình bền vững về kết cấu và bền vững thẩm mỹ vẫn có thể bị huỷ hoại bởi một số yếu tố khác. Ví dụ như dự án quy hoạch, hay những chủ trương hành chính của nhà nước về quản lý xây dựng; hay nó bị đào thải bởi mang trong mình những yếu tố phi nhân văn, không nhận được sự ủng hộ và chấp thuận của cộng đồng.
Kết luận
Kiến trúc bền vững là gì? – nó là một khái niệm rộng và đa nghĩa. Nhưng cũng có thể hiểu theo một cách đơn giản đó là loại vật chất nào cũng bị hủy hoại bởi thời gian, nhưng những giá trị tinh thần to lớn thì luôn đứng vững mãi trường tồn! Hi vọng với những kiến thức trên các bạn đã có thêm những hiểu biết thú vị về loại hình kiến trúc bền vững này.